Trước khi trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm, Tom Cahill chỉ là một bác sĩ 33 tuổi sống trong căn hộ một phòng ngủ gần Công viên Fenway tại Boston, trong tủ chỉ có một bộ suit duy nhất.
Vậy nhưng giờ đây, anh lại là trưởng nhóm nghiên cứu có tên “Các nhà khoa học Ngăn chặn Covid-19”.
Nơi quy tụ những "bộ não" thiên tài và "cánh tay" quyền lực nhất nước Mỹ
Những người này coi công việc của mình là “Dự án Manhattan” thời Covid-19 - gợi nhớ lại dự án phát triển bom nguyên tử trong Thế chiến II. Họ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau: sinh hóa học, miễn dịch học, phiên dịch thần kinh sinh lý học, thời sinh học, ung bướu học, tiêu hóa, dịch tễ học và khoa học nguyên tử. Trong số này, nhà sinh học từng đoạt giải Nobel 2017 Michael Rosbash nói: “Chắc chắn tôi là người có trình độ kém nhất ở đây”.
Nhóm nghiên cứu bí ẩn này đóng vai trò cầu nối giữa các công ty dược phẩm và chính quyền của Tổng thống Trump. Họ đang làm việc từ xa với vai trò đặc biệt: sàng lọc các nghiên cứu về Covid-19 và loại bỏ những nghiên cứu sai lầm.
Nhóm đã tổng hợp một bản báo cáo mật dài 17 trang về những phương pháp mới lạ nhằm ngăn chặn Covid-19. Trong số đó có cả ý tưởng điều trị bệnh nhân bằng thuốc từng dùng để chữa Ebola.
Tom Cahill - trưởng nhóm “Các nhà khoa học Ngăn chặn Covid-19” (Ảnh: WSJ)
Giám đốc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ Francis Collins cho biết ông đồng tình với hầu hết các khuyến nghị trong báo cáo. Sau đó, tài liệu này được chuyển tới các thành viên nội các và Phó Tổng thống Mike Pence - trưởng ban công tác chống dịch.
Tài sản lớn nhất mà BS. Cahill sở hữu là mạng lưới quan hệ non trẻ thông qua quỹ đầu tư của mình, gồm tỷ phú Peter Thiel, Jim Palotta và Michael Milken. Nhóm của BS. Cahill cũng thường xuyên tư vấn các quan chức cấp cao phụ trách dịch bệnh, trong đó có Nick Ayers - cố vấn lâu năm của Phó Tổng thống Mike Pence.
Không ai trong số những nhà khoa học này nghiên cứu vì mục đích tiền bạc. Họ chỉ muốn tận dụng mối quan hệ và kiến thức khoa học của mình để đánh bại Covid-19.
“Có thể chúng tôi sẽ thất bại. Nhưng nếu thành công, điều này có thể thay đổi cả thế giới”, Stuart Schreiber - một nhà hóa học từ ĐH Harvard - cho biết.
Nhà đầu tư có xuất thân từ bác sĩ
Cách đây 2 năm, BS. Cahill vẫn đang học thạc sĩ và tiến sĩ tại ĐH Duke, nghiên cứu về các chứng bệnh di truyền hiếm gặp. Anh nghĩ mình sẽ tiếp tục công việc này sau khi tốt nghiệp.
Thay vào đó, anh lại gặp bạn cũ - người giới thiệu anh vào làm tại tập đoàn đầu tư The Raptor Group. BS. Cahill nhanh chóng yêu thích với công việc này, đặc biệt là về khoa học đời sống. Anh cho biết mình có thể cống hiến nhiều hơn bằng cách xác định các nhà khoa học tiềm năng và giúp họ vượt qua các trở ngại về cả khoa học lẫn tài chính, thay vì tự mình nghiên cứu.
(Ảnh minh họa)
Sau đó, BS. Cahill tự mình thành lập quỹ riêng có tên Newpath Partners, với 125 triệu USD từ những nhà đầu tư giàu có ở Thung lũng Silicon như Peter Thiel và Steve Pagliuca. Họ có thiện cảm với sự thẳng thắn và tinh thần không lùi bước trước khó khăn của anh.
Vào tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Mỹ, BS. Cahill vừa hứng thú vừa bực bội với tiến độ nghiên cứu Covid-19. Sau khi được nhiều nhà đầu tư hỏi, người đàn ông này quyết định tổ chức một buổi họp trực tuyến nhằm chia sẻ những ý tưởng độc đáo để ngăn chặn dịch bệnh. Anh dự đoán sẽ chỉ có tầm 20 người tham dự.
Thế nhưng, khi BS. Cahill cố gắng tham gia vào cuộc họp, chính anh lại bị hệ thống từ chối do đã đủ số người. Điện thoại anh đổ chuông dồn dập với các cuộc gọi đến xin được tham gia. Hóa ra, ý tưởng của anh đã lan rộng ra khắp nơi, và hàng loạt người đang chờ để được kết nối, phần lớn trong số họ anh đều chưa từng gặp qua.
Chỉ 1 tiếng sau khi buổi họp kết thúc, hộp thư đến trong inbox anh đầy những ý tưởng và đề nghị giúp đỡ. Thậm chí, nhiều cố vấn của Phó Tổng thống Mỹ cũng tham gia.
Tận dụng mối quan hệ cao cấp để tìm giải pháp chống Covid-19
Phần lớn công việc ban đầu của nhóm nghiên cứu này là mổ xẻ hàng trăm báo cáo nghiên cứu về Covid-19 từ khắp nơi trên thế giới. Họ phân loại các ý tưởng hứa hẹn và loại bỏ những thứ không mấy khả quan. Mỗi thành viên phải đọc khoảng 20 nghiên cứu/ngày, gấp 10 lần so với khối lượng công việc thường ngày. Họ thảo luận bằng cách họp trực tuyến hoặc nhắn tin - “giống như một đám thanh niên”, Rosbash nói - và gọi điện.
“Hai ngày qua, tôi đã họp 7-8 lần qua Zoom. Tôi đảm bảo chính điều này sẽ khiến chúng tôi sinh bệnh thôi”, David Liu - nhà sinh hóa học đến từ ĐH Harvard - nói đùa.
Nhóm nghiên cứu này cũng không ủng hộ ý tưởng dùng xét nghiệm kháng thể để cho phép mọi người quay trở lại làm việc. Ho sợ rằng những người mang kháng thể vẫn có thể lây bệnh cho người khác, hoặc sẽ có những người cố tình nhiễm bệnh để được xóa hóa đơn viện phí.
Các nhà khoa học này cũng muốn tận dụng quy mô của chính phủ Mỹ để khuyến khích các công ty dược phẩm sản xuất. Chẳng hạn, chính phủ có thể mua cả những thuốc chưa được chứng minh là hiệu quả để các nhà sản xuất không lo lắng về việc lỗ vốn.
Những nỗ lực của nhóm này đã thu hút sự chú ý của tỷ phú Brian Sheth - người đồng sáng lập Vista Equity Partners. Là một trong những người đầu tư sớm nhất cho quỹ của BS. Cahill, ông giới thiệu anh cho Thomas Hicks - con một doanh nhân kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.
Trong cuộc trò chuyện đầu tiên, ông Hicks nói: “Tôi không phải là nhà khoa học. Vì thế hãy giải thích ngắn gọn và nói cho tôi nghe xem thủ tục nào cần giải quyết”.
Một vấn đề lớn với các nhà khoa học là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Họ đã tìm thấy một loại thuốc khá tiềm năng, nhưng để sản xuất đủ số lượng thì công ty dược phẩm phụ trách phải chuyển sản xuất sang Ireland. Theo quy định của FDA, cần mất nhiều tháng để phê duyệt điều này.
Sau vài cuộc điện thoại với các nhân vật cấp cao, BS. Cahill và các cộng sự đã có được cái gật đầu tư FDA để bắt tay vào sản xuất thuốc.
(Ảnh minh họa)
Nhóm nghiên cứu cũng nỗ lực thuyết phục các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe cho phép các cựu binh nhiễm Covid-19 tham gia vào nghiên cứu.
Sau khi mọi ý tưởng, đề xuất của họ đã được thử nghiệm, nhóm nghiên cứu bí mật này lại tiếp tục để mắt tới thế giới hậu Covid-19. Các ý tưởng mới bao gồm, xét nghiệm bằng nước bọt, xếp lịch xét nghiệm vào cuối ngày để có kết quả vào sáng hôm sau. Họ cũng đề xuất một ứng dụng di động cho phép người dân thông báo tình hình sức khỏe mỗi ngày để đảm bảo không ai có triệu chứng bệnh trong 14 ngày.
(The WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét